Thu nhập chới với
Chị Bích Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, tổng thu nhập của 2 vợ chồng chị đã tăng từ mức 35 triệu đồng/tháng lên 50 triệu đồng/tháng trong vòng 5 năm qua. Thế nhưng, giá nhà chung cư đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này. “Cách đây 5 năm, với khoảng 1 tỷ đồng, tôi có thể mua căn hộ chung cư thương mại 2 phòng ngủ tại những vị trí vùng ven như Hoài Đức, Vân Canh hay Gia Lâm. Thế nhưng, cũng vị trí đó, giá chung cư hiện nay đã lên trên 2 tỷ đồng, thậm chí hơn. Với số tiền 1 tỷ đồng, tôi không thể mua nhà dự án, thậm chí không thể mua nhà ở xã hội”, chị Thu nói.
Giá nhà Hà Nội tăng cao khiến nhiều người không thực hiện được ước mơ an cư |
Chị Thu chia sẻ, thu nhập tăng nhưng các khoản các cũng tăng theo như chi phí tiền học cho con, ăn uống. “Nhưng tôi sốc nhất vẫn là giá nhà đã tăng một cách vô lý. Giờ việc mua nhà quá sức với 2 vợ chồng tôi”, chị cho hay.
Dữ liệu của CBRE cho thấy giá bán thứ cấp trung bình nhà ở gắn liền với đất đến quý II/2023 là 154 triệu đồng/m2, còn chung cư là 33 triệu đồng/m2. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương tại Thủ đô tính đến quý I là 9,7 triệu đồng mỗi tháng. Nếu chỉ dựa vào thu nhập để mua nhà, một người lao động tại Hà Nội sẽ phải dành gần 15 năm thu nhập bình quân để có thể mua một căn hộ diện tích 50 m2, và gần 100 năm thu nhập bình quân để mua một căn nhà liền thổ diện tích 75 m2.
Theo báo cáo của Savills, Hà Nội đang phấn đấu có thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 150 triệu đồng. So với năm 2019, mức tăng trưởng trung bình thu nhập là 6% một năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng giá căn hộ từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023 là 13% một năm. Như vậy, tăng trưởng giá nhà cao hơn hai lần thu nhập trung bình của người dân Hà Nội.
Kênh Batdongsan ước tính thu nhập bình quân của người lao động Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng. Trong khi đó, giá rao bán nhà riêng trên trang này trung bình là 6,3 tỷ đồng một căn, chung cư là 3,1 tỷ đồng. Như vậy, nếu dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà, người mua phải “cày cuốc” 169 năm để sở hữu một căn nhà mặt phố và 23 năm để mua được một căn hộ chung cư.
Phải tăng nguồn cung nhà ở
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cần tiếp tục sửa đổi các quy định về giá đất, đấu giá, đấu thầu; điều chỉnh cơ cấu chính sách về tín dụng. Ngoài ra, cần tiếp tục tháo gỡ các vấn đề pháp lý, quy hoạch tạo điều kiện cho thị trường phát triển, nhất là tăng nguồn cung nhà ở xã hội bởi nhu cầu hiện nay rất lớn. Với các chủ đầu tư, ông Khởi cho rằng, nên có chính sách bán hàng hợp lý, điều chỉnh cơ cấu căn hộ hài hòa, giá nhà phù hợp với nhu cầu người dân.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội, cho rằng, sự chênh lệch cung - cầu lớn dẫn đến giá bán nhà ở neo cao. Trong giai đoạn 2023 - 2025, Hà Nội sẽ có thêm 157.000 hộ gia đình, tuy nhiên nguồn cung tương lai chỉ bao gồm khoảng 59.000 căn hộ hạng sang, 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 nhà ở xã hội dự kiến mở bán, thị trường vẫn thiếu hụt 70.300 nhà ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhận định, để đạt điều kiện giảm giá nhà, biện pháp cần làm là tăng cung nhà ở trong thời gian tới.
Theo ông Châu, những vướng mắc về pháp lý đã khiến nhiều dự án bị treo, cần phải gỡ khó cho doanh nghiệp để tăng cung cho thị trường. Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước mới đây đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc lo ngại vay vốn để phát triển các dự án mới, mua bán, góp cổ phần cùng phát triển dự án sẽ khó càng thêm khó.
Ông Châu nhận định, thị trường bất động sản đang phát triển mất cân đối, giá bán bị đẩy quá cao, cần cơ cấu lại giá bất động sản theo chiều hướng phù hợp, tăng nguồn cung. Nhà nước cũng cần rút ngắn thủ tục hành chính để giảm chi phí xây dựng, chi phí tài chính của dự án.